Cứ vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, các vị cao tuổi trong Ban trị sự chùa cùng đông đảo người Hoa ở địa phương tổ chức lễ vía Ông, còn gọi là lễ vía Quan Thánh Đế.Đúng 9 giờ tiếng chuông trong chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ. Khoảng 7-8 người, trong đó cử ra một người làm chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng cũng được dọn sẵn ra gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí hoa văn đẹp mắt. khi mọi người kề tựu xong, một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ). Hồi trống vừa dứt, chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa. Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu (hai người này đã được chỉ định trước khi hành lễ) đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó khiêng bàn dựng đồ cúng quay mặt ra hướng cổng chính để cúng thiên địa.
Lễ cử hành xong, mỗi người một việc, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Khách chủ yếu là người từ các địa phương đến cúng. Loại nhang được dùng nhiều nhất trong lễ cúng là nhang khoanh. Loại nhang này cọng nhỏ, không thẳng mà được uốn thành vòng tròn từ nhỏ đến lớn. Khi người ta đem nhang đến thì có một cụ bà dùng cây móc để đưa cuộn nhang treo lên trần nhà, sau đó dùng một cây bằng gỗ dài trên có đặt một cây nến được đốt cháy, bà đưa cho khách dùng đốt cuộn nhang của mình. Khi cuộn nhang được treo lên, những cuộn nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên đó ghi tên người cúng bằng tiếng Hoa. Nhiều khoanh nhang như thế được đốt lên, khói bay phảng phất tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo.