29 Nov
Vía Bà Thiên Hậu

Vía Bà Thiên Hậu

   Theo các nguồn tư liệu lịch sử, người Hoa có mặt ở Nam bộ cách nay đã hơn 300 năm. Có thể nói, ở đâu có người Hoa cư trú, ở đó tất có chùa Hoa, như: Hiệp Thiên Cung Ba Láng (Cái Răng), Võ Đế Cổ Miếu (Ô Môn), Quan Đế Võ Miếu (Bình Thủy)... hoặc được xây dựng ở những nơi dân cư đông đúc, như: Hiệp Thiên Cung (Cái Răng), Thất Phủ Võ Miếu (Thốt Nốt), Quảng Triệu Hội Quán (TP Cần Thơ)... Khi di cư đến Việt Nam, bà con người Hoa chủ yếu đi bằng đường thủy, công việc làm ăn, buôn bán buổi đầu cũng chủ yếu diễn ra ở bến sông nên sông nước có ấn tượng hết sức đặc biệt. Bà con người Hoa quan niệm rằng: Chính các vị thần sông, thần biển, các vị thần chuyên cứu người trên biển như Bà Thiên Hậu chẳng hạn đã phù hộ cho họ rất nhiều trong những chuyến hải trình xa xôi đến Việt Nam, cũng như trong công việc mua bán sau này. Nên các ngôi chùa thường được xây cất ở cặp mé sông chính là để các vị thần trấn giữ, ngăn chặn mọi điều xui xẻo, đem những điều may mắn, tốt lành. Cũng như các dân tộc khác, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa rất phong phú và đa dạng. Họ có rất nhiều lễ hội và thờ các vị thần khác nhau.
 
Tiêu biểu nhất là thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Hầu hết các ngôi chùa Hoa ở Cần Thơ đều thờ Quan Công là chính - dân gian quen gọi là chùa Ông. Còn Thiên Hậu Thánh Mẫu thì xưa nay được bà con người Hoa xem như một vị thần biển có công giúp đỡ ngư dân, thương buôn... trong cuộc sống mưu sinh của họ. Bà thường hiển linh trợ giúp kịp thời những thuyền tàu mỗi khi gặp gió to sóng lớn, phù hộ cho dân chài có cuộc sống an lành, bình yên. Hình ảnh của bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần - một vị thần theo lệnh trời phò tá cho muôn dân. Và cũng chính vì điều đó mà qua các triều đại, bà luôn được truy phong của triều đình. Theo truyền thuyết, vào đời Tống Thái Tổ, Kiến Long nguyên niên (960), tại huyện Bố Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phước Kiến, có con gái thứ 6 của Lâm Nguyên. Khi mới lọt lòng mẹ đã tỏa hào quang, hương thơm. Khi lớn có thể cưỡi chiếu, biển, cưỡi mây đi du ngoạn khắp nơi. Đến năm Tống Thái Tôn thứ 4 (987) bà đã giã từ cõi trần, hưởng dương 27 tuổi. Truyền thuyết dân gian cho rằng bà thường hiển linh mặc đồ đen bay lượn trên biển. Từ đó mỗi triều đại bà được phong tước hiệu. Đời Nguyên, bà được phong làm Thiên Phi, đời Thanh Khang Hy, bà đều được gia phong làm Thiên Hậu... Theo sử liệu, thì vào đầu niên đại Mãn Thanh (đầu 1760), đã có rất nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán, làm ăn, do đi tàu sóng to gió lớn nên trên tàu đều có thờ Thánh Mẫu để phù hộ. Lúc bấy giờ, tàu bè đi biển thường trông theo hướng gió, thường đi từ lúc mùa gió Bắc và về lúc mùa gió Nam, do đó họ luôn phải ở lại Việt Nam vài ba tháng mỗi năm. Nhiều người trong số thương buôn đã đề nghị hùn tiền xây miếu để thờ bà và xây Hội quán để làm nơi dừng chân của họ. Những người Hoa ở lại Việt Nam, thường sống thành cụm dân cư ở cùng một xóm, một ngõ phố tạo thành một nét đặc trưng trong nếp sống của cộng đồng họ. Vì là những người tha phương, sống nơi đất khách quê người nên họ thường giúp đỡ nhau, tương trợ nhau trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Đời sống tâm linh tiêu biểu nhất cả người Hoa là Hội quán. Đây là nơi lưu giữ, truyền kế, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng nhất, là nơi tôn nghiêm, là những gì thiêng liêng nhất trong đời sống tâm linh của bà con. Lễ vía Bà (Thiên Hậu Thánh Mẫu), lễ vía Quan Thánh Đế Quân hàng năm của cộng đồng người Hoa là một minh chứng cho điều này.  
 
Lễ vía Bà Thiên Hậu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Để tổ chức tốt cho kỳ lễ vía, bà con người Hoa đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó. Khoảng 18 tháng 3 âm lịch là bà con người Hoa đã tập trung ở Hội quán để sửa sang, quét dọn, chuẩn bị. Người ta tổ chức tắm bà sạch sẽ, thay quần áo mới cho Bà. Lễ tắm bà được tổ chức rất trang trọng, nơi bà ngự được quét dọn, căng màn che lại, hai cô gái được cử tắm cho Bà. Người ta nấu nước sôi để nguội rồi đổ vào thau, hái lá bưởi để vào dùng tắm cho Bà. Lá bưởi được người Hoa tin như một thứ bùa hộ mệnh dùng để tẩy sạch bụi trần, bao điều phiền muộn, những thứ xui xẻo, không may mắn. Khoảng 6 giờ sáng, ngày 23 tháng 3 âm lịch, những người trong Ban trị sự của Hội quán đã đến chuẩn bị lễ vật cho ngày vía Bà. Lúc này cũng có nhiều người đến cúng. Người ta mang theo nhang đèn, trà, rượu... gà vịt đã làm sẵn để cúng. Cúng xong, người ta mang lễ vật về, nhưng cũng có người để lại. Đúng 9 giờ là chính thức làm lễ vía Bà. Số 9 được người Hoa quan niệm là con số may mắn, 9 giờ là giờ tốt. Đúng 9 giờ, tiếng chuông trong chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ, tất cả mọi người (chủ yếu là những người trong Ban trị sự và những người có liên quan đến việc bảo quản Hội quán) khoảng 7,8 người trong đó cử ra một người chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng được dọn sẵn ra trên bàn đặt trước chánh điện gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí một cách đẹp mắt, trên lưng heo có cắm một con dao, với ngụ ý là mời các vị thần dùng dao xẻ thịt ăn. Bên phải là con gà luộc, bên trái là một dĩa trái cây gồm chôm chôm, nho, chuối,... phía trước là những cốc trà cùng với hai bình trà, rượu được đặt kề bên. Khi mọi người tề tựu xong, một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ).
 
Hồi trống vừa dứt, chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa với nội dung: Hôm nay là ngày vía Bà, chúng tôi tổ chức buổi lễ gồm: trà, rượu, heo, gà, bánh trái... dâng cúng thần, cầu thần ban cho phúc lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt... Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu (hai người này đã được chỉ định trước khi hành lễ) đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó, khiêng bàn đựng đồ cúng quay mặt ra hướng cổng chính để cúng Thiên Địa. Vẫn như trước, hồi trống lại vang lên. Khi hồi trống kết thúc, bài văn tế thần ban nãy lại được đọc lên (chỉ có việc thay tên vị thần sắp cúng mà thôi) rồi cũng xá ba xá. Xong, châm trà rượu. Cứ thế, lần lượt cúng các vị thần: Quan Thánh Đế Quân, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, Phước Đức Chính Thần, Mã Tiền Tướng Quân. Riêng Phật Bà Quan Âm, thức cúng là đồ chay, chỉ cúng trái cây. Nhưng để tránh phiền phức, người ta vẫn để y bàn cúng gồm heo, gà trên đó chứ không dọn ra. Lễ cử hành xong, mỗi người một việc, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Lúc này khách tấp nập đến cúng nhang, đèn ở Hội quán. Có người cúng tiền, số lượng ít thì để vào thùng phước thiện, nhiều thì gởi trực tiếp cho người tiếp nhận và người đó được ghi tên mình vào sổ công đức. Cũng có người đem nhang khoanh đến cúng. Những cuộn nhang được treo lên, những vòng nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành một hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên có ghi tên người cúng bằng chữ Hoa. Nhiều khoanh nhang được đốt lên, khói bay phảng phất, tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo. Tất cả những người khách đến cúng đều được mời ở lại dùng bữa cơm thân mật. Người rảnh rang một chút thì nán lại bên bàn trà, trò chuyện dăm ba câu, bàn chuyện làm ăn, thời sự, thế thái nhân tình...

     Trước đây, khi lễ vía Bà ở Hội quán xong, bà con người Hoa còn tổ chức đưa bà đi du ngoạn quanh các đường phố, các con đường lớn, người ta khiêng tượng bà đi vòng quanh các con phố gọi là thỉnh Bà hành cung. Trong buổi du ngoạn đó, có đại diện Ban trị sự Hội quán, đông đảo bà con người Hoa đi cùng, mặc đồ lễ, có lọng che, cờ phướn, cờ lệnh, trống kèn... thật nô nức, nhộn nhịp. Trên đường Bà du ngoạn, có một vài gia đình người Hoa đặt bàn cúng trước nhà - nơi Bà sẽ đi qua để hộ tống Bà và cũng cầu bà ban cho phước lộc, tiền tài... Ngày nay, lệ này dường như không còn vì tổ chức rất rườm rà và tốn kém.

Từ khóa liên quan:

via ba o can tho,

le hoi via ba o can tho,

lễ hội ở cần thơ,

lễ hội tại cần thơ,
le hoi o can tho,


     
Các bài viết khác
quà tặng online